Dạy trẻ đặt câu với từ và biểu đạt câu hoàn chỉnh

Đặt câu với từ - biểu đạt câu: khả năng quan trọng khi nói - viết

Trẻ gặp nhiều khó khăn trong biểu đạt bằng lời nói lẫn viết, đặc biệt là dạng bài Đặt câu với từ (dạng bài phổ biến trong chương trình học môn Tiếng Việt) và nâng cao hơn là khả năng viết đoạn văn, bài văn,... có thể do:

  • Trẻ gặp nhiều khó khăn để biểu đạt bằng lời nói hoặc chữ viết một câu hoàn chỉnh , gồm đầy đủ chủ ngữ, vi ngữ và liên kết câu chặt chẽ.

  • Trẻ thường gặp các lỗi phổ biến như: câu thiếu chủ ngữ, thiếu động từ, chủ ngữ hoặc động từ sử dụng chưa chính xác, các thành phần trong câu chưa nối kết chặt chẽ,...

Trong bài viết này, bố mẹ sẽ cùng mình tham khảo một hoạt động thú vị để hỗ trợ trẻ diễn đạt được một câu với cấu trúc cơ bản nhất nhé.

Từ gợi ý cơ bản này, bố mẹ có thể phát triển những cấu trúc câu phức tạp hơn mà bố mẹ muốn dạy trẻ.

Xác định cấu trúc câu mà bố mẹ muốn dạy trẻ đặt câu

Đầu tiên, bố mẹ hãy quan sát xem trẻ nhà mình đã diễn đạt được những cấu trúc câu nào ?

Trẻ đã diễn đạt được cấu trúc câu đơn giản : " Ai + là + Cái gì " chưa ? Ví dụ: Sushi là em trẻ, mẹ là cô giáo, ...

Hay trẻ đã diễn đạt được cấu trúc phức tạp hơn một xíu: " Ai + làm gì + như thế nào ". Ví dụ : trẻ học tập rất chăm chỉ, Cô hát rất hay, ...

Khi xác định được những cấu trúc câu trẻ đã biết, bố mẹ có thể chọn dạy những cấu trúc câu mới hoặc nâng cao hơn với khả năng hiện tại của trẻ.

Hoạt động cụ thể hóa cấu trúc câu

Nếu bố mẹ đã đọc bài viết Dạy trẻ diễn đạt câu so sánh thì phương pháp mình áp dụng ở đây là tương tự. Bố mẹ chỉ cần những thẻ ghi chú màu đơn giản đã có thể thực hiện hoạt động này.

Để bố mẹ dễ dàng hình dung, mình sẽ minh họa việc dạy trẻ đặt câu với cấu trúc " Ai/Người + trợ động từ + hoạt động " . Ví dụ: Sushi đang ăn cơm, mẹ đang quét nhà ...

Đầu tiên, để trẻ hình dung được cấu trúc câu có 3 phần thì bố mẹ sẽ dùng ba thẻ màu, đặt thành hàng.

Ở thẻ hỗ trợ thứ nhất bố mẹ sẽ vẽ một hình tương ứng với chủ ngữ là người (tương ứng với câu hỏi Ai), ở thẻ hỗ trợ thứ hai là từ "đang" và thẻ hỗ trợ cuối cùng là hình minh họa hoạt động.

Bố trí thẻ hỗ trợ để trẻ học cấu trúc câu

Bố trí thẻ hỗ trợ để trẻ học cấu trúc câu

Mục tiêu thứ nhất : bố mẹ sẽ dạy trẻ từ chỉ hoạt động, tương ứng với thẻ hỗ trợ ở vị trí số 3.

Dùng giấy ghi chú màu nổi bật để tạo các thẻ chữ tương ứng với hoạt động cần dạy trẻ. Ví dụ: nấu cơm, học bài, đi chơi ...

Tạo thẻ từ hỗ trợ dạy trẻ đặt câu với từ trong câu

Tạo thẻ từ hỗ trợ dạy trẻ đặt câu với từ trong câu

Để dạy trẻ một hoạt động cụ thể, bố mẹ sẽ dùng nhiều câu mô tả hoạt động đó một cách cụ thể nhất để trẻ hiểu.

Ví dụ : Mục tiêu là dạy con đặt câu với từ học bài. "Học bài" là con phải mở sách ra nè, phải dùng tay di chuyển qua lại để viết chữ nè, phải đọc câu văn để hiểu được câu chuyện thú vị nè ...

Mục tiêu thứ hai: Phân biệt từ chỉ người (thẻ 1) và từ chỉ hoạt động (thẻ 3)

Bố mẹ hãy trộn lẫn các thẻ từ hoạt động này với các thẻ từ chỉ người (thẻ ở vị trí số 1) để trẻ phân loại các thẻ thành 2 nhóm : từ chỉ hoạt động và từ chỉ người.

Hoạt động này phục vụ rất tốt cho dạng bài tập Luyện từ và câu trong Tiếng Việt lớp 2, giúp trẻ phân biệt được đâu là từ chỉ người, chỉ vật, chỉ hoạt động...

Mục tiêu thứ ba: Sắp xếp các thẻ từ để tạo câu

Sau khi trẻ xác định và hiểu rõ các thẻ từ chỉ hoạt động, hãy cho trẻ đặt các thẻ hoạt động này vào các cấu trúc câu còn khuyết thẻ thứ ba (câu thiếu từ chỉ hoạt động).

VD1. câu "Mẹ đang....", trẻ sẽ đặt các thẻ hoạt động phù hợp với "mẹ" như "nấu cơm", "làm việc" và nói/viết câu tương ứng: Mẹ đang nấu cơm, mẹ đang làm việc.

VD2. câu "trẻ đang...", trẻ sẽ đặt các thẻ hoạt động phù hợp với "trẻ" như "học bài", "rèn chữ" và nói/viết câu tương ứng: trẻ đang học bài, trẻ đang rèn chữ.

Mẹo cho bố mẹ là : sau khi trẻ đã đặt câu với từ mục tiêu thành công, nhờ vào cấu trúc câu và thẻ từ, hãy khuyến khích trẻ ghi ngay nó vào vở. Hoạt động này không những giúp trẻ nhớ lâu hơn mà còn giúp ích rất nhiều về sau cho việc học viết và đặt câu theo từ mục tiêu.

Rút bớt gợi ý và giúp trẻ chủ động đặt câu với từ mục tiêu

Khi trẻ đã nói - viết câu thành thạo thông qua các thẻ từ & cấu trúc câu, bố mẹ hãy rút dần gợi ý để trẻ chủ động hơn.

Bố mẹ chỉ đưa thẻ từ chỉ hoạt động và yêu cầu trẻ tạo câu. Như vậy, trẻ cần suy nghĩ về "người/ai" tương ứng với hoạt động để diễn đạt được câu "Người + đang + hoạt động".

Đừng quên làm mẫu việc đặt câu với thẻ từ này để trẻ hiểu rõ hơn về yêu cầu của bố mẹ nha.

Khi trẻ đã tạo được câu hoàn chỉnh với thẻ từ hoạt động, điều đó có nghĩa:

  • trẻ đã hình dung và vận dụng tốt cấu trúc câu "Ai + đang + làm gì"
  • trẻ đã bước đầu quen với việc đặt câu với từ mục tiêu (dạng bài tập trong môn Tiếng Việt)

Bố mẹ có thể yêu cầu trẻ đặt câu với các thẻ từ chỉ người, để kích thích trẻ suy nghĩ về từ chỉ hoạt động tương ứng và tạo câu nhé!

Mở rộng câu

Đến lúc này, khi trẻ đã diễn đạt được một câu mục tiêu thành thạo, bố mẹ có thể khuyến khích trẻ phát triển câu đa dạng hơn.

Ví dụ : từ câu "Sushi đang học bài", phát triển lên thành "Sushi đang học bài với chị" hay "Sushi đang học bài ở nhà" hay "Sushi đang học bài rất chăm chỉ".

Hy vọng với hoạt động và minh họa cơ bản này, bố mẹ có thể dễ dàng dạy con những cấu trúc câu mục tiêu mà mình mong muốn, đồng thời, có thể sáng tạo những cách dạy và học vui vẻ hơn.

Từ đó, giúp con biểu đạt câu, thực hiện đặt câu với từ tốt hơn , tạo tiền đề cho khả năng viết đoạn văn, bài văn sau này.

Cuối cùng, nếu thấy bài viết hay và hữu ích bố mẹ có thể chia sẻ bài viết này (nút chia sẻ ở đầu bài viết) lên facebook để nhiều người được biết hơn.

Việc này giúp mình biết được chủ đề này có nhiều bố mẹ quan tâm hay không, từ đó mình sẽ tạo những bài viết chuyên sâu hơn về cấu trúc câu phức tạp hơn để giúp trẻ nhé.

Nếu bố mẹ quan tâm đến việc giúp con viết được nhiều mẫu câu khác nhau có thể xem thêm khóa học: Can thiệp viết câu