Giải quyết 4 lỗi đếm số lượng phổ biến của bé

Bé đếm số lượng sai ? Bố mẹ đã thử đủ mọi cách nhưng mãi bé vẫn không chịu hiểu ? Cùng mình điểm qua những lỗi thường gặp và cách dạy bé chi tiết nhé.

Bé liên tục đếm từ 1 đến 10 hoặc xa hơn nữa mà không nhìn hoặc chỉ tay vào các vật

Trường hợp này, bé đang chưa tập trung vào hoạt động đếm số lượng hay chính xác hơn là chưa chú ý đến đối tượng cần đếm. Chính vì vậy, bố mẹ hãy giúp trẻ chú ý và tạo kết nôí giữa việc đếm với đối tượng cần đếm bằng cách:

Bố mẹ cầm tay bé, điều chỉnh để ngón trỏ của bé lần lượt chỉ vào từng vật trên bàn.

Đừng quên khuyến khích bé tập trung quan sát vào vật được chỉ, đồng thời phối hợp tay, mắt và nhịp đếm đồng bộ nhau.

Đôi khi, bé đã đếm từ 1 đến 10 hoặc xa hơn nữa rất tốt nhưng bé chưa được chỉ dạy cách để đếm vật tốt và chính xác. Vì vậy, việc "cầm tay chỉ việc", cầm tay trẻ chỉ và đếm cùng trẻ sẽ là dịp để ta dạy trẻ cách đếm số lượng vật hiệu quả.

Cuối cùng, giảm dần các hỗ trợ (cầm tay, đếm cùng bé), hãy khuyến khích bé tự chỉ tay và tự đếm các vật trên bàn.

Bé chỉ tay vào từng vật trên bàn nhưng nhịp đếm lại đi quá nhanh khiến kết quả bị sai

Khác với trường hợp 1, lúc này bé đã biết chỉ tay vào vật khi đếm, nhưng việc phối hợp tay, mắt và nhịp đếm chưa tốt (thường bé sẽ đếm nhanh hơn việc chỉ tay).

Bố mẹ hãy đếm cùng bé, có thể đếm to hơn bé để điều chỉnh lại nhịp đếm của bé sao cho đồng bộ với nhịp chỉ tay.

Về sau, bố mẹ giảm dần âm lượng để bé tự điều chỉnh tốc độ đếm của bản thân. Cuối cùng, hãy để bé chủ động tự đếm mà không cần gợi nhắc nào từ bố mẹ.

Bé vừa đếm, vừa chỉ tay vào từng vật trên bàn rất nhịp nhàng, nhưng khi chỉ hết vật, bé vẫn tiếp tục đếm mà không ngừng lại

Khi bé đã phối hợp tốt tay – mắt – nhịp đếm, sẽ có trường hợp bé đếm mãi đến số lớn nhất mà bé có thể đếm được, thay vì dừng lại ngay vật đếm cuối cùng trên bàn.

Điều này khiến bé gặp khó khăn để kết luận tổng của tập hợp và bé cũng chỉ đếm chứ chưa thực sự tiến đến mức độ cao hơn là "Đếm số lượng".

Với tình huống này, hãy giúp bé tạo điểm dừng bằng việc sử dụng đồ vật (que đỏ, dấu X đỏ,…) hoặc nói thành lời kèm dấu hiệu “ngưng/dừng/…”.

VD: Với 4 vật trên bàn, cùng bé đếm “1,2,3,4 – ngưng”

Đồ vật hoặc nhắc băng lời sẽ giúp bé dừng việc đếm lại, cũng như giúp bé dần hiểu được: khi mình chỉ tay đến vật cuối cùng cũng là lúc việc đếm phải dừng lại.

Đó là sự khác biệt giữa Đếm và Đếm số lượng.

Bé vừa đếm vừa chỉ tay nhịp nhàng, dừng lại đúng lúc nhưng lại kết luận sai tổng của tập hợp.

Trường hợp này hẳn khiến bố mẹ rơi vào tình huống dở khóc, dở cười khi bé chỉ vật và đếm rất tốt “1,2,3,4” nhưng sau đó lại kết luận “Có 5!”.

Lúc này, bé chưa hiểu số đếm cuối cùng sẽ đại diện cho tổng của tập hợp. Do đó, hãy giúp bé dần dần hiểu khái niệm này nhé.

Đếm cùng bé, nhưng hãy nói to hoặc nhấn mạnh số cuối cùng và nói ngay tổng. VD: Đếm cùng bé “1,2,3,4”, nói “bốn” thật to rồi nói ngay “Có 4”.

Sau vài lần đếm cùng, hãy để bé tự đếm, bố mẹ chỉ đếm to số cuối cùng và nói ngay tổng cùng bé. Tiếp đến, hãy để bé tự đếm và bố mẹ chỉ đáp tổng cùng bé ngay sau khi bé nói số cuối cùng trong chuỗi đếm vật của mình.

Bố mẹ có nhận thấy, việc hỗ trợ bé đang giảm dần không, điều này giúp bé dần tự lập hơn trong việc đếm số lượng cũng như giúp bé dần nhận ra bài học về số đếm cuối cùng chính là tổng của tập hợp.

Hãy thử xem bé đã hiểu vấn đề chưa bằng việc: sau khi bé đếm xong, hãy nói ngay “Có….” Và chờ đợi xem bé có đáp đúng tổng hay không. Nếu bé vẫn sai, hãy kiên trì thử lại các bước trên, vì bé cần thêm thời gian để hiểu!

Bố mẹ còn gặp tình huống dở khóc, dở cười nào khác không? Hoặc có những cách xử lý thú vị hơn, đừng ngại tham gia nhóm "Khó khăn học tập" trên facebook để cùng trao đổi với mình và các bố mẹ khác nhé.

Chuyên sâu hơn, nếu bố mẹ muốn tìm hiểu những kĩ thuật xây dựng nền móng vững chắc về toán tiền tiểu học cho bé như : phân tách và điền khuyết, so sánh, cách ghi nhớ hiệu quả khi học toán và ghi nhớ bảng cửu chương... có thể tham khảo khóa học "Toán cơ bản" nhé.