Mẹo học đọc chữ cái hiệu quả có thể bố mẹ chưa biết

Học đọc chữ cái tiếng Việt là một kỹ năng nền tảng cho trẻ, là phương tiện để trẻ khám phá thế giới xung quanh bằng từ ngữ.

Bố mẹ muốn chuẩn bị hành trang vững chắc cho con vào lớp một nhưng lại gặp khó khăn trong việc dạy chữ cái:

  • Bố mẹ không biết bắt đầu từ đâu
  • Bố mẹ không muốn con quá căng thẳng với việc học
  • Trẻ không nhớ được mặt chữ
  • Trẻ không hứng thú
  • Trẻ nhầm lẫn các chữ cái với nhau,...

Cùng mình tham khảo những mẹo hay dạy đọc chữ cái cho con hiệu quả mà vẫn vui vẻ nhé.

Giai điệu bài hát là vũ khí lợi hại

Không chỉ trẻ mà người lớn chúng ta khi học một bài hát có giai điệu hay thì rất dễ dàng ghi nhớ nó. Giai điệu là một yếu tố rất quan trọng trong việc nâng cao khả năng ghi nhớ của trẻ đấy.

Bố mẹ hãy dùng một chiếc bảng chữ cái, hát bài hát quen thuộc " a á ớ bờ cờ dờ đờ ... ", đồng thời dùng tay chỉ vào từng chữ cái tương ứng khi hát.

Cùng hát với trẻ vài lần để trẻ bắt đầu nhận diện được sơ bộ hình dạng và âm thanh tương ứng của các chữ cái nhé. Sự lặp đi lặp lại cũng là một cách thức để ghi nhớ.

Khi thấy trẻ có vẻ thuộc rồi, bố mẹ hãy thử thách trẻ bằng cách: hát đến một chữ nào đó rồi dừng lại và hỏi trẻ xem chữ tiếp theo là gì ? Nâng cao hơn, bố mẹ sẽ chỉ một chữ bất kì và hỏi trẻ đó là chữ gì ?

Để ôn tập và thử thách trẻ, hãy xáo trộn bảng chữ cái, yêu cầu trẻ tìm và đọc chữ cái tìm được.

Nhận diện được hình dạng chữ và kết nối ngay với âm của chữ cái đó là rất quan trọng cho việc học ghép vần sau này bố mẹ nhé.

Bí mật là học đọc chữ cái từ chính tên của trẻ

Bố mẹ có từng nghe về nghiên cứu khoa học: trẻ học chữ cái trong tên của mình rất nhanh và nhớ lâu không ?

Theo nghiên cứu của Justice (2006) : trẻ sẽ ghi nhớ chữ cái đâu tiên trong tên của mình tốt hơn những chữ còn lại. Ví dụ : trẻ tên Gạo thì chữ "G" sẽ được trẻ học và ghi nhớ rất hiệu quả đấy.

Ngoài ra, theo Treimann, trẻ cũng sẽ dễ dàng học và ghi nhớ những chữ cái trong tên của mình. Hãy áp dụng ngay để xem tính hiệu quả nhé.

Tận dụng lý thuyết này, bố mẹ có thể ghi tên các thành viên trong gia đình, những người mà trẻ yêu quý, bạn thân của trẻ, thú cưng của trẻ, tên món ăn yêu thích,...

Sự thân quen, yêu thích sẽ tạo ra những cảm xúc tích cực và mạnh mẽ giúp trẻ ghi nhớ chữ cái hiệu quả hơn. Vì chúng ta cũng dễ dàng ghi nhớ về những sự vật, sự việc gây cho ta cảm xúc mạnh mẽ.

Mẹo ở đây là, bố mẹ hãy dán tên của trẻ và những cái tên khác ở những vị trí mà trẻ có thể dễ dàng nhìn thấy mỗi ngày để ôn tập.

Ví dụ: dán tên trẻ trên cặp, trên ngăn tủ quần áo, trên kệ đồ chơi của trẻ; dán tên mẹ trên bàn trang điểm của mẹ, dán tên bố trên chiếc cốc của bố; dán tên món ăn yêu thích trên tủ lạnh;...

Đọc, đọc sớm, đọc sách

Thói quen đọc sách thì bố mẹ nào chẳng muốn trẻ nhà mình đạt được phải không ? Nhưng đọc sách nào để trẻ học chữ cái từ sớm mới là vấn đề chúng ta cần quan tâm.

Bố mẹ hãy tìm những quyển sách có thiết kế chữ cái to rõ và nổi bật với màu sắc bắt mắt để giúp trẻ nhận diện tốt chữ cái đó.

Những quyển sách tương tác như tháo dán, kéo đẩy làm hiện ra hình ảnh thú vị, sách sờ chạm, sách có âm thanh,... là những quyển sách giúp trẻ vừa học vừa chơi. Những loại sách này giúp trẻ nhận diện và ghi nhớ chữ cái tốt hơn nhờ sự tác động lên nhiều giác quan của trẻ (thị giác, xúc giác, thính giác).

Bên trên là 3 gợi ý quan trọng mà bố mẹ nên ưu tiên để dạy trẻ học chữ hiệu quả. Tiếp theo, chúng ta sẽ khám phá những hoạt động thú vị vừa học vừa chơi nhé.

Học với đồ chơi yêu thích của trẻ, học thông qua vận động chơi

Chữ cái nam châm: bố mẹ viết chữ cái mẫu lên bảng, khuyến khích trẻ tìm chữ nam châm tương ứng và lắp vào. Nâng cao hơn là không cần chữ mẫu, bố mẹ đọc chữ cái và trẻ tìm kiếm.

Lúc học trẻ sẽ gặp khó khăn trong việc nhớ một số chữ cái khó, tận dụng chữ nam châm này dán lên tủ lạnh để trẻ nhìn thấy chúng hàng ngày nhé.

Học đọc chữ cái tiếng Việt thông qua chư cái nam châm

Học đọc chữ cái tiếng Việt thông qua chư cái nam châm

Chữ cái bằng xốp, mút, đất sét: học thông qua xúc giác, sờ nắm con chữ thì còn gì thú vị hơn. Cho phép trẻ mang những con chữ này vào tắm chung, vừa vui vẻ vừa ghi nhớ chữ hiệu quả hơn.

Vận động trên thảm chữ cái: nếu trẻ nhà mình là một chân hiếu động thì trò chơi giậm nhảy lên những thảm có hình chữ cái này còn gì thú vị bằng.

Bố mẹ muốn sáng tạo hơn trong việc giúp con vừa được vận động, vừa ghi nhớ chữ cái thì sao ? Hãy dùng những lon sữa rỗng, thùng carton trong nhà, khuyến khích trẻ xếp chúng thành con đường có hình dạng một chữ cái rồi yêu cầu trẻ di chuyển trên con đường ấy.

Bố mẹ là người thích nấu ăn, phần lớn thời gian ở trong bếp thì sao? Hãy rủ trẻ vào bếp, dùng bột nặn thành hình con chữ rồi đem đi nướng, thành quả là những chiếc bánh chữ do chính tay trẻ làm thì việc học còn gì thú vị hơn.

Hoặc cho trẻ lọ tương cà, khuyến khích trẻ vẽ hình con chữ lên mẩu bánh của mình cũng là hoạt động thú vị không kém.

Tại sao không kết hợp vừa học chữ cái vừa luyện viết cho trẻ nhỉ ? Đưa trẻ một tờ giấy và bảo trẻ vẽ chữ cái đơn thuần thì không thú vị lắm đúng không?

Bố mẹ hãy in (hoặc vẽ) những hình mê cung chữ cái để trẻ tìm đường ra. Trong lúc tìm kiếm đường ra, trẻ sẽ phải quan sát tổng thể mê cung có hình dạng chữ cái này.

Việc quan sát lặp đi lặp lại giúp trẻ ghi nhớ hình dạng chữ cái tốt hơn. Vì vậy, trong quá trình trẻ quan sát, bố mẹ đừng quên đọc chữ cái tiếng Việt thật to để cho hình dạng và âm của chữ được kết nối với nhau nhé.

Một vài câu kết nối gợi ý cho bố mẹ: "Con đã tìm được đường ra của chữ Aaaaaa này chưa?" (hãy nhấn mạnh hoặc kéo dài tên chữ cái để gây kích thích lên thính giác của con); "Mê cung chữ A này khó nhỉ?!" ; "Chữ A này thật thú vị!",...

Mua cho trẻ một chiếc kéo cắt giấy nho nhỏ, vẽ cho trẻ hình con chữ và cùng trẻ cắt chúng ra cũng là hoạt động thú vị đấy.

Khi có thành phẩm là những con chữ giấy, đừng ngại khuyến khích trẻ dán lên những nơi yêu thích để trẻ nhìn thấy chúng hằng ngày.

Cuối cùng là một hoạt động vô cùng kì công để trẻ học chữ cái, đồng thời, nó còn rèn tính kiên trì và sự sáng tạo của trẻ. Đó chính là quyển từ điển chữ cái do chính trẻ tạo ra.

Bố mẹ hãy tặng trẻ một quyển sổ hoặc quyển vở. Ở trang đầu tiên, bố mẹ sẽ viết chữ cái cần học thật to, trang kế bên chính là nơi trẻ sưu tầm những hình ảnh của các vật có tên gọi chứa âm của chữ cái đó. Ví dụ, trang chữ B, trẻ sẽ có thể dán hình "Bò", "Bánh", "Báo" , "Bóng",...

Từ điển hình ảnh chữ cái

Từ điển hình ảnh chữ cái

Mình rất thích hoạt động cuối này, vì nó se giúp trẻ quan sát kỹ càng hơn những thứ xung quanh mình, gọi tên các vật và cảm nhận xem nó có phù hợp để dán vào quyển từ điển chữ cái của mình không.

Điều này sẽ giúp trẻ phát triển nhận thức âm vị, một yếu tố rất quan trọng cho việc học đọc và học viết sau này.

Và đó là những hoạt động giúp trẻ thoát khỏi cảnh học khô khan, nhàm chán mà thay vào đó là những phút giây vừa học, vừa chơi vui vẻ, thú vị.

Tuy nhiên, không ít thì nhiều, trẻ sẽ gặp khó khăn nào đó khi học đọc chữ cái.

Bố mẹ có thể xem tiếp bài viết "5 Lưu ý quan trọng khi dạy trẻ học chữ cái" để xem trẻ nhà mình có đang gặp phải những khó khăn này và tìm hiểu cách giải quyết tương ứng.

Còn nếu trẻ nhà mình đã nắm chắc các chữ cái rồi thì nên dạy gì tiếp cho con?

Bố mẹ có thể tham khảo khóa học "Ghép vần" để tìm hiểu những bước tiếp theo trên hành trình giúp con vào lớp 1 nhé!