5 lưu ý quan trọng khi dạy bé học chữ cái

Nhiều bố mẹ tâm sự là đã thử nhiều cách dạy bé học chữ cái nhưng không hiệu quả.

Bé vô cùng khó khăn trong nhận diện mặt chữ, bé không phân biệt được nét cong và nét thẳng, bé không nhớ được âm của con chữ tương ứng...

Bố mẹ đã thử những hoạt động vừa học vừa chơi khi dạy bé chữ cái do mình gợi ý chưa ? Nếu chưa thì tham khảo ngay "bài viết này" nhé.

Nếu bố mẹ đau đầu không hiểu vì sao thì cùng mình tìm hiểu 5 nguyên nhân phổ biến sau nhé.

Bố mẹ đã dạy bé học chữ cái tiếng Việt đúng thứ tự chưa ?

Thứ tự ở đây có phải là dạy theo thứ tự bảng chữ cái, a rồi b rồi c ... không ? Thứ tự ở đây là ưu tiên dạy bé chữ in hoa trước rồi mới đến chữ in thường.

Chữ in hoa có đường nét đơn giản hơn, do đó nên ưu tiên dạy trước để bé dễ dàng tiếp nhận được chữ cái đó. Sau khi đã nắm được chữ in hoa, bố mẹ dạy bé chữ in thường tương ứng sẽ rất hiệu quả.

Thêm một lưu ý quan trọng cho bố mẹ đây : theo nghiên cứu của Treimann & Keller (2004), nên ưu tiên dạy bé 9 cặp chữ in hoa và in thường có đường nét giống nhau đó là: C-c, K-k, O-o, P-p, S-s, V-v, X-x, W-w, Z-z.

9 cặp chữ in hoa in thường ưu tiên dạy bé học chữ cái tiếng Việt

9 cặp chữ in hoa in thường ưu tiên dạy bé học chữ cái tiếng Việt

Chú ý : trong bảng chữ cái tiếng Việt không có cặp W-w và Z-z, mà thêm vào đó là các cặp Ô - ô ; Ơ - ơ.

Tuy nhiên, ta cần cân nhắc khi dạy 2 cặp chữ này. Với những bé khó khăn phân biệt Ô và Ơ thì 2 cặp chữ này nên được tách ra khỏi danh sách ưu tiên nhé!

Bố mẹ có thấy thiếu cặp chữ in hoa - thường nào ở trên không ? Cặp U-u đâu nhỉ ? Cùng mình tìm hiểu ở mục bên dưới để hiểu tại sao không nên ưu tiên dạy cặp chữ này nhé.

Sự nhầm lẫn của bé

Một số bé sẽ có khó khăn trong việc phân biệt nét xiên (nét chéo) và nét gạch dọc trong bảng chữ cái tiếng Việt.

Trong quá trình cùng trẻ học chữ cái, sẽ là thử thách với những bé này khi ta yêu cầu bé phân biệt hai cặp V-v và U-u.

Bé dường như chưa nhìn ra sự khác biệt của nét xiên trong chữ V và nét gạch dọc của U.

Nhiều bé cũng gặp khó khăn như: phân biệt khoảng trống hướng lên - hướng xuống của cặp u-n, phân biệt nét cong bên trái - bên phải hay vị trí nét cong ở trên - ở dưới của nhóm chữ b - d - p - q.

Đây là những cặp chữ cái khó, khi bé nắm vững được chúng thì mới tự tin bước tiếp đến việc học ghép vần.

Nhận thức được khó khăn này, bố mẹ không nên dạy những cặp chữ này cùng lúc. Ví dụ : cặp u-n, dạy bé nắm vững chữ u trước rồi mới tới chữ n.

Chậm và chắc là kim chỉ nam mà bố mẹ cần để dạy bé học những cặp chữ cái khó này nhé.

Đa số bé gặp nhầm lẫn trong việc học những cặp chữ này vì chưa thuần thục kĩ năng nhận diện được phương hướng : trên - dưới, trái phải.

Trong nội dung video có mẹo dùng nắm tay để dạy bé kĩ năng phân biệt này, bố mẹ thử áp dụng nhé.

Tốc độ học chữ cái của bé

Bố mẹ ơi, mỗi đứa trẻ đều có điểm mạnh, điểm yếu và khả năng ghi nhớ riêng. Vì vậy, tốc độ học và ghi nhớ chữ cái ở mỗi trẻ cũng khác nhau.

Đừng vội áp đặt những khuôn mẫu hay tiêu chí học tập vượt quá khả năng của con nhé.

Bố mẹ hãy cố gắng quan sát và tự đánh giá khả năng học của con.

Từ đó, bố mẹ có thể vạch ra kế hoạch phù hợp để phân bố thời gian dạy cho bé, đặc biệt là những chữ cái khó cần "chậm và chắc" với nhiều thời gian học và tần suất củng cố nhiều hơn những chữ đơn giản.

Bé nào cũng thích việc học của mình như một cuộc chơi

Bé cần học trong một môi trường vui vẻ và hứng thú, đơn giản vì nó luôn mang lại hiệu quả học tuyệt vời.

Vì vậy, bố mẹ hãy cố gắng tạo ra những buổi học chữ cái vui vẻ, sáng tạo những hoạt động thú vị cho con nhé. Quan trọng nhất là hãy luôn kiên trì và tôn trọng những nỗ lực của con nhé!