Dạy bé đọc sớm, nên hay không ?

Bố mẹ chú ý: bài viết này, mình chỉ đề cập đến chuyện “đọc quá sớm” (reading too early) thôi.

Cụ thể là việc thông qua các thẻ từ/ Flashcard (thẻ ghi từ có kèm hoặc không kèm hình minh họa) để dạy trẻ biết đọc từ rất nhỏ (vài tháng hay vài ba tuổi, trước khi trẻ chính thức được dạy đọc, dạy viết khi vào lớp 1).

Đọc sớm ở đây chính xác là biết đọc các từ (words) trên thẻ flashcard nên trong bài viết mình sẽ dùng “ĐỌC TỪ (words)” để nói về cách dạy đọc này.

Đừng đánh đồng việc “BIẾT “ĐỌC TỪ” là BIẾT ĐỌC CHỮ CÁI:

Đọc từ thông qua flashcard

Đọc từ thông qua flashcard

Cách dạy “đọc từ” thông qua flashcard như trên là đọc toàn thể, tức là “nhìn tổng thể của từ ấy với 1 hình dạng cao thấp, dài ngắn nào đó” (Treiman & Kessler, Children Development, 2018), chứ không nhìn vào từng bộ phận là các chữ cái, dấu thanh cấu tạo nên từ.

Biết đọc từ chưa chắc nhận diện được chữ cái

Biết đọc từ chưa chắc nhận diện được chữ cái

“Trẻ xem từ như một bức tranh” (chuyên gia giáo dục sớm Wiley Blevins). Do đó, trẻ biết đọc từ chưa chắc đã biết nhận diện, gọi tên và phát âm các chữ cái trong từ ấy. Trẻ chỉ đơn giản là gọi tên một "bức tranh" có hình dạng từ, chứ không biết gọi tên các chữ cái trong từ ấy.

Dạy ĐỌC SỚM theo cách này KHÔNG PHẢI LÀ ĐỌC THỰC SỰ!

Nhờ vào trí nhớ đang phát triển, trẻ có thể gọi tên những "bức tranh" này từ khi còn rất bé, thậm chí ở thời điểm mà trẻ còn chưa hiểu những từ mình vừa đọc có ý nghĩa gì (Treiman & Kessler, Children Development, 2018). Trẻ không hiểu những gì mình đang đọc!

Trẻ không thực sự đọc, chỉ là ghi nhớ và liên kết

Trẻ không thực sự đọc, chỉ là ghi nhớ và liên kết

Theo Amanda Gummer (TS tâm lý thần kinh): “Biết đọc, biết viết đúng đắn không chỉ đơn giản là đọc hay viết được từ, bạn cũng cần có những kỹ năng tiếp nhận và biểu đạt bằng lời nói và chữ viết”. Tức là, bạn cần đọc được từ, hiểu được nghĩa của từ đó, thì mới có thể tạo kết nối với những từ hay kiến thức đã biết, từ đó mở rộng thêm kiến thức của bản thân. Đó mới là học tập thực sự. Học để phát triển bản thân.

Nghiên cứu từ ĐH New York: khi so sánh một nhóm trẻ từ 12-18 tháng tuổi đã sử dụng thẻ flashcard, chương trình học qua DVD với 1 nhóm trẻ không sử dụng thẻ flashcard, cho thấy: không có sự khác biệt về khả năng đọc của 2 nhóm. Nghĩa là cả 2 nhóm trẻ sau này khi đến độ tuổi đi học đều có khả năng nhận diện, gọi tên chữ cái, biết đọc, biết viết như nhau. Vậy thì tại sao chúng ta lại lấy đi thời gian vui chơi, trò chuyện cùng con trong giai đoạn từ 1-2 tuổi này, giai đoạn mà con cần phát triển ngôn ngữ, cần vận động, vui chơi để phát triển thể chất.

Susan Neumann (người đứng đầu nghiên cứu này) cho rằng: Việc tiếp cận toàn bộ từ (thay vì học từng chữ cái), sự hiểu biết về nhận thức âm vị (yếu tố tiên quyết cho việc học đọc, học viết) có thể bị trì hoãn và kết quả về sau có thể là tiêu cực.

Vậy TRẺ NHỎ CÓ KHẢ NĂNG “ĐỌC SỚM” hay không?!

“Ngay cả trẻ sơ sinh cũng có thể được đào tạo để nhận ra từ. Tương tự, hầu hết trẻ nhỏ có thể được đào tạo thông qua kiểu dạy kích thích – đáp ứng (stimulus – response type learning) với thẻ flashcard này.

Tuy nhiên, sức mạnh của não bộ và có thể là các kết nối thần kinh sẽ không phát triển tối ưu như khi ta học đọc đúng trình tự và đúng thời điểm. Học đọc khi còn quá nhỏ, khi não bộ chưa sẵn sàng có thể khiến hoạt động này trở thành một "kỹ năng cấp thấp (low-level-skill)” (TS. Jane Healy, nhà giáo dục, chuyên gia về học tập, trích từ “Your Child’s Growing Mind”).

Não bộ chưa đủ liên kết để học đọc

Não bộ chưa đủ liên kết để học đọc

Vì não bộ chưa sẵn sàng với nhiệm vụ này nên nó sẽ tìm những con đường khác kém hiệu quả hơn để hoàn thành nhiệm vụ. "Điều này làm chậm quá trình kết nối và có thể dẫn đến khuyết tật học tập sau này, bao gồm thiếu hụt xử lý hình ảnh.” (TS. Marsha Lucas, nhà tâm lý học, bác sĩ tâm thần học, trích từ “Your baby shouldn’t read”).

Trẻ nhỏ nên HỌC ĐỌC hay nên CHƠI ĐÙA ?

Amanda Gummer (TS tâm lý thần kinh) cho rằng: nếu trẻ tập trung đọc quá sớm, các lĩnh vực phát triển khác có thể bị ảnh hưởng. Các em bé có thể bị căng thẳng thay vì trở nên vui vẻ nhờ học tập thông qua chơi đùa. Chúng ta cần nhớ, hoạt động chủ đạo của trẻ nhỏ, trẻ mẫu giáo là chơi đùa. Trẻ cần chơi đùa để phát triển vận động thô, vận động tinh, giúp đôi bàn tay trở nên khéo léo hơn để kích thích não bộ phát triển. Trẻ chơi đùa để khám phá và tư duy. Đồng thời, giai đoạn này cũng là giai đoạn mà ngôn ngữ phát triển mạnh mẽ. Vì vậy, hãy dành thời gian để trò chuyện, tương tác cùng con, để con phát triển ngôn ngữ, đó mới là chất liệu quan trọng để phát triển tư duy và việc học tập sau này.

Chính vì vậy, ta sẽ dễ dàng hiểu tại sao, trẻ em thường bắt đầu học đọc vào lúc 6 tuổi (lớp 1), đó là thời điểm mà trẻ đã sẵn sàng cho nhiệm vụ học đọc của mình.

Có những VẤN ĐỀ TƯƠNG LAI CẦN ĐỊNH HƯỚNG RÕ RÀNG?

Vì nhiều bố mẹ chỉ nhìn thấy cái lợi: “đọc sớm giúp con biết đọc sách báo”, “con có thể sẽ đọc tốt khi vào lớp 1”,… mà không xem xét nhiều vấn đề có thể nảy sinh.

Trước hết là vấn đề định hướng: Sau khi con biết đọc từ thì bố mẹ sẽ làm gì tiếp theo để con phát huy tốt khả năng này?

Nếu định hình được từng bước tiếp theo phải làm, phải dạy để con tiếp tục phát triển thì hãy nghĩ tiếp về chuyện học hành, những khó khăn có thể có trong tương lai và cách giải quyết.

Bởi vì, một đứa trẻ được xem là chậm trễ ở một lĩnh vực nào đó trong học tập (như đọc, viết hoặc tính toán) thì chắc chắn trẻ sẽ có khó khăn và trải nghiệm không tốt tại trường lớp.

Trẻ khó khăn học tập

Trẻ khó khăn học tập

Tuy nhiên, chúng ta hay bỏ qua những đứa trẻ tiềm năng cao ( Việt Nam hay gọi là “thần đồng”) đã quá giỏi ở 1 hay nhiều lĩnh vực học tập thì thật ra chính các trẻ này cũng có khó khăn, cần được hỗ trợ không khác gì 1 trẻ được xem là chậm trễ. Và những đứa trẻ biết đọc sớm này cũng gần giống với nhóm trẻ tiềm năng cao này. Trẻ sẽ làm gì ở lớp khi bản thân đã biết đọc từ, còn các bạn thì vẫn đang ê a ngồi ghép vần. Trẻ có còn hứng thú với việc học trên lớp. Trẻ có cảm thấy khác biệt với các bạn cùng tuổi,...

Trên đây là những quan điểm và góc nhìn của mình, nó có thể khác với những gì bạn biết.

Mình tôn trọng góc nhìn, quan điểm của bạn vì chung quy thì bố mẹ nào cũng muốn tốt cho con và việc dạy con cái là một loạt các lựa chọn khó khăn. Thế nên, nếu mỗi bước đi của con, bố mẹ đã suy tính kỹ càng thì cứ tiếp tục thôi!

Thực ra, để con biết đọc thì có nhiều cách thú vị để kích thích con khám phá, học hỏi, chứ không dừng lại ở mỗi cách dạy flashcard.

Bố mẹ có thể tham khảo video 20 MẸO DẠY CON CHỮ CÁI để cùng bé vừa chơi, vừa học sao cho phù hợp với độ tuổi của con nhé!